Hướng dẫn Doanh nghiệp về những vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư và lĩnh vực xây dựng thường gặp trong quá trình hoạt động
Trong quá trình hoạt động và thực hiện dự án đầu tư, rất nhiều doanh nghiệp thường vấp phải những vi phạm không đáng có. Tình trạng vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp diễn biến khá phức tạp, nhiều về số lượng, đa dạng về tính chất, mức độ, khó kiểm soát về hậu quả (trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng).
1. Một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư thường gặp trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có thể kể đến như vi phạm về tiến độ thực hiện dự án; vi phạm quy định về chế độ báo cáo và thực hiện yêu cầu của cơ quan đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh; vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp; về kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; về công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp…
Trong năm 2023 và 2024, trong các khu công nghiệp tại Long An, đã có 26 doanh nghiệp thứ cấp đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Trong đó, các lỗi vi phạm của doanh nghiệp thường mắc phải cụ thể như: Vi phạm tiến độ thực hiện dự án (13 trường hợp), bổ sung thêm địa điểm thực hiện dự án tuy nhiên không đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (3 trường hợp), bổ sung thêm mục tiêu và quy mô thực hiện dự án tuy nhiên không đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (3 trường hợp), nhà đầu tư nước ngoài đã đưa dự án vào hoạt động tuy nhiên không đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (2 trường hợp), nhà đầu tư không thực hiện thủ tục đề nghị điều chỉnh gia hạn thời hạn hoạt động của dự án (3 trường hợp), vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp (2 trường hợp).

Nguyên nhân vi phạm là do sự chủ quan của doanh nghiệp, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong quá trình thực hiện dự án không quan tâm bám sát tiến độ và nội dung theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được phê duyệt, đến khi gặp vướng mắc liên quan đến môi trường, thuế, hải quan mới tiến hành điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, do đó dẫn đến việc vấp phải những vi phạm hành chính về đầu tư.
Ngày 28/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Theo đó, việc xây dựng Nghị định nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định đã được quy định tại các luật, nghị định mới được ban hành, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật về kế hoạch và đầu tư được tổ chức thi hành đồng bộ, hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp, không có căn cứ để xử phạt. Đồng thời, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tạo cơ sở pháp lý, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính của toàn ngành. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là hành vi vi phạm pháp luật có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện mà không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự và được quy định tại Nghị định này, bao gồm: (1) Vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)); (2) Vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu thầu; (3) Vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; (4) Vi phạm quy định trong lĩnh vực quy hoạch. Đồng thời, các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Nghị định được áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; (2) Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.
Nghị định quy định rõ mức phạt tiền tối đa đối với từng lĩnh vực, theo đó: lĩnh vực đầu tư là 300.000.000 đồng; lĩnh vực đấu thầu là 300.000.000 đồng; lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100.000.000 đồng; lĩnh vực quy hoạch là 500.000.000 đồng.
Nghị định cũng quy định cụ thể về thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm.
2. Một số vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng
Từ đầu năm đến nay, về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế đã kiểm tra việc triển khai thực hiện dự án, quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng 18 dự án; đã chuyển hồ sơ đến Sở Xây dựng đề nghị xem xét xử lý vi phạm hành chính 12 dự án.
Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính về xây dựng. Theo đó, mức phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng được quy định tại khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 120 - 140 triệu đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Trong quá trình đầu tư, hoạt động, đề nghị các doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp và doanh nghiệp cho thuê nhà xưởng quan tâm, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và tình hình thực trạng, các lỗi vi phạm thường gặp để các doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp quan tâm thực hiện, tránh mắc phải những vi phạm không đáng có./.